Mỗi loại bình cứu hỏa lại có ký hiệu và tên gọi khác nhau cùng với cách sử dụng khác nhau. Vậy bình cứu hỏa dạng bột ABC là gì?
Các loại bình cứu hỏa có ký hiệu ABC (hay BC) là bình bột, chữa được nhiều dạng cháy khác nhau, nhưng sẽ làm bẩn hiện trường, còn bình có ký hiệu CO2 hoặc MT2, MT3 là bình khí CO2, chỉ chữa cháy ở trong nhà, không chữa cháy được ở ngoài trời.
Các biện pháp phòng chống cháy như không đốt vàng mã trong nhà, tắt cầu dao khi đi xa lâu ngày, tắt các thiết bị điện - đóng bình gas khi ra ngoài...
Mặc dù vậy, chưa bao giờ dân ở đây được tập huấn phòng cháy chữa cháy. Ngay cạnh cửa nhà chị Phương là bình bọt CO2, nhưng chị không biết cách sử dụng nó như thế nào. "Hình như là trên bình có hướng dẫn sử dụng, khi nào có cháy mình sẽ... đọc!", chị nói.
Tương tự như vậy, chị Vân, ở một chung cư trên đường Trần Bình cũng chẳng biết phải rút chốt gì, hay bóp mỏ vịt như thế nào đối với mấy cái bình chống cháy ngay đầu hồi nhà mình. Chị bảo "nhà mình ở tầng 4, nên nếu có vấn đề gì thì "chạy" xuống là xong".
Còn chị Hoa, ở chung cư 11 tầng trong khu Mỹ Đình 1 - chung cư được cán bộ phòng cháy của huyện Từ Liêm đến tập huấn hẳn một buổi vào năm ngoái - thì cũng chỉ nghe qua, nên đến giờ các kiến thức ấy rơi đâu hết. "Tôi cũng hiểu lõm bõm là có cháy thì phải lôi cái bình đỏ ấy ra, nhưng bình nào dùng để chữa cháy điện, bình nào để chữa cháy gas, dầu thì chịu. Lúc tập huấn chủ yếu là mấy ông nghe, chứ phụ nữ hầu hết đứng ngoài, nên cũng không hiểu lắm".
Được hỏi nếu chồng đi vắng mà nhà có sự cố cháy nổ thì làm thế nào, chị Hoa hồn nhiên bảo "Thì gọi mấy chú bảo vệ!".
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó đội trưởng đội kiểm tra Phòng cháy chữa cháy, Công An thành phố Hà Nội, cho biết, nhiều buổi tập huấn vắng bóng hoàn toàn các bà, các cô. "Họ vẫn giữ nếp văn hóa sống ở nhà đất, nhà ai biết nhà nấy, mà quên đi mất việc chấp hành nội quy chung, tôn trọng không gian chung", ông nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện ở các chung cư thường có mấy loại phương tiện chữa cháy cơ bản như bình CO2, bình bột, họng nước cứu hỏa, chăn, cát. Tuy nhiên, mỗi loại phương tiện lại có các tính năng khác nhau, phù hợp với đám cháy khác nhau, đo đó người dùng cần hết sức lưu ý, cụ thể:
Bình cứu hỏa CO2 - chuyên chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và thiết bị điện. Trên bình thường ghi rõ CO2, hoặc MT2, MT3, MT5
Đặc điểm của loại bình này là có tác dụng làm loãng đám cháy, do đó không thể chữa ngoài trời mà chỉ chữa trong nhà. Nhưng do đặc tính CO2 gây ngạt, nên cũng không thể bình để chữa cháy trong phòng kín có người ở.
Ngoài ra, khi CO2 được phun ra sẽ có nhiệt độ rất lạnh là -73 độ C, đo đó người sử dụng không được phun trực tiếp vào người khác, hoặc cầm vào loa bình, vì sẽ bị bỏng lạnh.
Bình CO2 cũng không được sử dụng để chữa các chất cháy mà trong đó có gốc là kim loại kiềm, kiềm thổ (như nhôm, chất nổ đen...), vì sẽ làm đám cháy mạnh hơn.
Bình cứu hỏa dạng bột: Có nhiều loại khác nhau, để chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu lần lượt là A (chữa cháy chất rắn), B (chữa cháy chất lỏng), C (chữa cháy chất khí) và D hoặc E (chữa cháy điện).
Ví dụ, nếu bình ghi BC sẽ dập được đám cháy chất lỏng hoặc chất khí, bình ABC dập được ba loại cháy là chất rắn, lỏng, và khí. Riêng loại ABCE có thể chữa cháy cả thiết bị điện.
Đặc điểm nổi bật của loại bình bột là khi dập xong đám cháy dễ bùng phát lại, do đó người dập lửa phải kiểm tra kỹ.
Bình bột cũng tuyệt đối không được dùng để phun vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính, vì bột có thành phần muối, sẽ làm hư hại thiết bị.
Cát: Dùng tốt trong việc dập cháy do chất lỏng, để ngăn ngừa chất lỏng lan ra (như cháy xăng dầu)
Chăn bông: Chăn bông tẩm nước rất hữu dụng trong việc bịt các khe hở ngăn khói, hoặc phủ lên người để chạy xuống cầu thang thoát hiểm (người chạy nên bò sát cách mặt sàn 40-60 cm, là nơi luôn có ôxi để thở), hoặc cháy bếp dầu, xe máy.
Nước: Không được dùng nước để cứu hỏa các trường hợp chất lỏng cháy (xăng, dầu), cháy thiết bị điện, hóa chất.